Test
Hơn một năm kể từ ngày chính thức lên cầm quyền, Tổng thống Moon Jae-in dường như tạo nên “mùa xuân mới” trên khắp Bán đảo Triều Tiên, khi những chiến lược của ông bước đầu có hiệu quả và sự ủng hộ của người dân vẫn đạt mức trên 80%. Là người con gốc Triều Tiên, ông Moon Jae-in được cho là đã công khai mong muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên ngay khi nhậm chức.
Kế hoạch của Tổng thống Moon Jae-in là khởi động một lộ trình kéo dài, trong đó lấy việc trao đổi kinh tế và các hình thức hợp tác làm nền tảng, từ đó mở cửa cho Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tồn tại hòa bình trước khi thống nhất hai quốc gia chủ quyền, thậm chí có thể hợp nhất thành một quốc gia nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.
Trên thực tế, chính quyền Moon Jae-in vẫn gửi thông điệp tới Triều Tiên rằng Hàn Quốc luôn sẵn sàng mở cửa đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất cứ đâu.
Tổng thống Moon Jae-in đặt hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng nhất và chưa bao giờ từ bỏ ý định này. Những nỗ lực của ông bắt đầu mang lại kết quả khi vị tổng thống này khéo léo sử dụng Thế vận hội Mùa đông được tổ chức ở Pyeongchang (Hàn Quốc) để mời - và cũng trả tiền - cho vận động viên Triều Tiên đến tham dự.
Nhưng, với ẩn ý sâu sắc hơn, Tổng thống Moon Jae-in muốn tận dụng tinh thần và bối cảnh của Thế vận hội Pyeongchang để tạo nên “cơ hội lịch sử” giúp gắn kết hai miền Hàn - Triều, xây dựng bước đệm quan trọng trên lộ trình “kiến tạo lại” hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Sự hào phóng đó đã dẫn đến kết quả mong đợi: Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, trong đó đánh dấu sự kiện ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ Hàn Quốc.
Đối với Tổng thống Moon Jae-in, đây có thể coi là “trái ngọt” cho sự nhanh chóng và chủ động của ông trong việc triển khai những bước đi tích cực liên quan tới vấn đề Bình Nhưỡng, tạo ra khởi đầu mới cho tình hình Bán đảo Triều Tiên và thế giới.
Thời điểm giữa năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in mới nhậm chức và vẫn còn khá “rụt rè” trước sự sôi động của chính trường lúc bấy giờ, đặc biệt là bối cảnh Mỹ - Triều đang cao trào căng thẳng. Trong khi Washington muốn “mạnh tay” và tập trung áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế - ngoại giao lên Triều Tiên thì Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra “bình thản”, thậm chí tuyên bố không từ bỏ tham vọng chế tạo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân bắn tới Mỹ.
Là đồng minh của Mỹ, chính quyền Moon Jae-in không thể đứng ngoài mà bị lôi kéo vào cuộc chơi “gây sức ép tối đa” lên Triều Tiên. Tuy nhiên, với quan điểm “bình tĩnh” hướng đến mục tiêu hòa bình, ông Moon Jae-in lặng lẽ ủng hộ đối thoại và hòa giải. Chính ông đã tuyên bố Hàn Quốc sẽ phải ngồi vào vị trí chèo lái để điều hướng cho “cuộc chơi” đầy khốc liệt giữa Mỹ - Triều và bày tỏ niềm tin sẵn sàng đi bất cứ nơi nào cho hòa bình của bán đảo này.
Tất nhiên, Moon Jae-in, dù mềm mỏng, cũng biết khi nào cần “sức mạnh cứng”. Thời điểm Triều Tiên thử tên lửa, ông yêu cầu Mỹ đáp trả bằng một cuộc diễn tập chống tên lửa, thậm chí kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, ông nghiêng nhiều hơn về sức mạnh của “củ cà rốt” thay vì “cây gậy”, áp dụng đối thoại hơn là đối đầu. Đòn bẩy được sử dụng để đưa Mỹ - Triều đến bàn đàm phán vẫn là Thế vận hội Pyeongchang.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã cho thấy vai trò “người dàn xếp xuất sắc” giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump khi tạo điều kiện cho các phái đoàn cấp cao Mỹ và Triều Tiên cùng tới Hàn Quốc dự Thế vận hội. Ông Moon Jae-in đã đề xuất các cuộc hội đàm cấp cao với Triều Tiên và bắt đầu làm việc với chính quyền Trump dù khi đó Washington vẫn chưa “mở lòng” với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Moon Jae-in đã phải làm việc rất vất vả để cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể diễn ra. Ông không bỏ cuộc cho dù Triều Tiên dọa “trảm” thượng đỉnh khi Washington kiên quyết buộc Bình Nhưỡng phải đơn phương từ bỏ hạt nhân, còn Tổng thống Trump thì bất ngờ muốn hủy hội nghị.
Điều đáng mừng là, Tổng thống Hàn Quốc đã nhanh chóng kiểm soát lại những gì mà ông mô tả là cơ hội mang lại bước đột phá lịch sử. Ông tổ chức cuộc gặp với ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều với nỗ lực làm sống lại cơ hội diễn ra hội nghị thượng đỉnh tưởng chừng không còn hi vọng. Những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện khi Tổng thống Trump thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại liên Triều, hay việc các quan chức Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng và Washington, mang theo lời nhắn rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng dừng các vụ thử tên lửa và thảo luận về việc phi hạt nhân hóa.
Có thể nói, ông Moon Jae-in đã học được cách sử dụng chiến lược pha trộn quyền lực của ngoại giao “mềm và cứng”, trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy các bên thoát khỏi tình trạng bế tắc. Giới quan sát cho rằng, Moon Jae-in “đọc vị” chính xác rằng Tổng thống Mỹ không muốn chiến tranh xảy ra, “biến” Donald Trump với những tuyên bố đầy cứng rắn thành một con người “cần phải ngồi vào đàm phán”.
Để tạo nền tảng cho thượng đỉnh Trump - Kim và sau đó là cứu vãn cuộc gặp này, Tổng thống Hàn Quốc đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un 2 lần cũng như gặp Tổng thống Trump trong tháng 5, cùng với việc nhóm an ninh của ông Moon Jae-in duy trì tiếp xúc hằng ngày với những người đồng cấp Mỹ. Việc lần đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại, Hàn Quốc, chứ không phải một quốc gia lớn trong khu vực, dẫn đầu xu hướng thay đổi quan trọng được đánh giá như diễn biến thú vị nhất trong “bản nhạc an ninh” của khu vực Đông Bắc Á.
Từng bước một, Tổng thống Moon Jae-in đã khôi phục đối thoại liên Triều, bảo đảm tổ chức các cuộc đối thoại quân sự liên Triều, và mở ra các kênh ngoại giao tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đối thoại ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng, bất chấp những khác biệt dường như không thể hòa giải về tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, cuối cùng đã diễn ra lần lượt.
Lịch sử đã sang trang với cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Sentosa (Singapore). Theo đó, hai bên cam kết thiết lập quan hệ song phương mới, xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, duy trì đà đối thoại hiện nay và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy đảm bảo an ninh của Washington với Bình Nhưỡng.
Với những người ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in, việc đối thoại Mỹ - Triều được nối lại cho thấy vai trò ngày càng tích cực của ông trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Họ tán thành cách tiếp cận “hạ mình một chút” của ông Moon để gây dựng lòng tin cho các bên liên quan vì lợi ích của nền dân chủ và hòa bình.
Tuy nhiên, phe chỉ trích cảnh báo ông tạo ra những kỳ vọng phi thực tế và khoảng trống khác biệt trong định nghĩa phi hạt nhân hóa. Chưa hết, cách tiếp cận của ông Moon Jae-in trước vấn đề Triều Tiên đang gây chia rẽ trong Chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt nhận được “sự phẫn nộ” từ phe bảo thủ với lý do làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn. Bất chấp mọi phản ứng, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố đang hướng tới tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Hàn - Triều.
Theo ông, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ là “bước đệm” nhằm vươn tới mục tiêu cao hơn là chính thức chấm dứt mọi căng thẳng, từ đó giải quyết triệt để “bài toán khó” Triều Tiên...